VI BẰNG VỀ BẢN QUYỀN ÂM NHẠC

Âm nhạc đã và đang là một trong những nguồn giải trí tối ưu và không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, âm nhạc mang lại cho con người nhiều nguồn cảm hứng, giải tỏa căng thẳng muộn phiền, và hơn thế âm nhạc còn là liều thuốc trị liệu và nuôi dưỡng tâm hồn cho biết bao thế hệ. Hiện nay theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ, tác phẩm âm nhạc là một trong những loại hình được bảo hộ quyền tác giả. Và tình trạng xâm phạm quyền sở hữu về bản quyền âm nhạc đang là vấn đề nhức nhối hiện nay, bằng nhiều hành động và hình thức vi phạm khác nhau đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tác giả cũng như các đơn vị sở hữu liên quan.

Với tư cách là một tổ chức cung cấp dịch vụ lập vi bằng, hướng đến mục tiêu xác lập chứng cứ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức bị tác động bởi những hành vi vi phạm bản quyền về âm nhạc, chúng tôi xin đưa ra một số tình huống mà Quý bạn đọc có thể lựa chọn phương án lập vi bằng trong một số tình huống cụ thể sau đây:

Một là, các chương trình phát sóng trên truyền hình Tivi.

dụ: Trong chương trình âm nhạc ABC được phát sóng trên đài truyền hình HK vào lúc 09h00 ngày 13/6/2021 có phát sóng các bản nhạc của nhạc sĩ D, các tác phẩm này đã được nhạc sĩ D đăng ký bản quyền tại cơ quan nhà nước. Trong tình huống này, nhạc sĩ D có thể yêu cầu Thừa phát lại lập vi bằng ghi nhận việc chương trình âm nhạc ABC đã trình chiếu những tác phẩm âm nhạc của mình mà không có sự đồng ý của mình để lưu giữ làm bằng chứng.

Hai là, các sự kiện âm nhạc trực tiếp như: liveshow, phòng trà, quán cà phê, nhà hàng tiệc cưới….

Ví dụ: Trong chương trình biểu diễn liveshow, ca sĩ H có trình diễn một số tác phẩm đã được đăng ký bản quyền tại Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, nhưng chưa được sự đồng ý của tổ chức này. Trong tình huống này, Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam có thể yêu cầu Thừa phát lại lập vi bằng ghi nhận sự kiện liveshow này cùng với việc ca sĩ H đã trình diễn các bản nhạc mà chưa xin phép để lưu giữ làm bằng chứng sau này.

Ba là, các tác phẩm âm nhạc trong dịch vụ Karaoke.

Ví dụ: Trong danh sách bài hát đang được sử dụng và phục vụ hoạt động kinh doanh tại quán karaoke K có một số bài hát đã được đăng ký bản quyền tại Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam. Tuy nhiên, cơ sở karaoke K đã sử dụng các bài hát này vào mục đích kinh doanh mà không có sự đồng ý của trung tâm tác quyền. Trong tình huống này, Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam có thể yêu cầu Thừa phát lại lập vi bằng ghi nhận việc cơ sở karaoke K sử dụng trái phép các bài hát đã được đăng ký bản quyền mà chưa xin phép để lưu giữ làm bằng chứng.

Bốn là, các tác phẩm âm nhạc trên các ứng dụng nghe nhạc trực tuyến như: Zing MP3, Nhaccuatui, Spotify…

Cũng tương tự các trường hợp kể trên, khi chủ sở hữu phát hiện các tác phẩm âm nhạc đã được đăng ký bản quyền xuất hiện trên các ứng dụng nghe nhạc trực tuyến như: Zing MP3, Nhaccuatui, Spotify… mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu, thì họ hoàn toàn có quyền yêu cầu Thừa phát lại lập vi bằng ghi nhận lại những hành vi vi phạm này, bởi lẽ việc phát hành bài háts một cách công khai trên các trang trực tuyến này đã ít nhiều tác động và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của chủ sở hữu.

Năm là, các sự kiện khác theo yêu cầu của khách hàng mà Thừa phát lại có thể hỗ trợ lập vi bằng để xác lập chứng cứ theo quy định của pháp luật.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *