Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Di chúc cần đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật mới được công nhận hợp pháp và có hiệu lực. Sau đây Văn phòng thừa phát lại Hà Thành sẽ cùng bạn đọc tìm hiểu về việc viết di chúc có cần người làm chứng không theo quy định của pháp luật hiện hành.
Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật dân sự 2015
- Nghị định 08/2020/NĐ-CP tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại.
- Thông tư 05/2020/TT-BTP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành nghị định số 08/2020/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại
Điều kiện có hiệu lực của di chúc
Di chúc bằng văn bản
Tại điểm b khoản 1 và khoản 4 Điều 630 Bộ luật Dân sự 2015 quy định rằng dù pháp luật tôn trọng và đề cao mong muốn của người lập di chúc nhưng nội dung di chúc không được trái với quy định của pháp luật cũng như không vi phạm đạo đức xã hội.
Ngoài ra, đối với di chúc bằng văn bản phải được công chứng, chứng thực và nếu không có công chứng, chứng thực thì chỉ được coi là hợp pháp khi thỏa mãn điều kiện về ý chí của chủ thể cũng như nội dung của di chúc.
Điều 631 Bộ luật này quy định nội dung chủ yếu cần có của di chúc như sau:
- Ngày, tháng, năm lập di chúc;
- Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc;
- Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản;
- Di sản để lại và nơi có di sản;
- Các nội dung khác;
- Di chúc không được viết tắt hoặc ký hiệu, nếu di chúc có nhiều trang thì phải ghi số thứ tự ở mỗi trang và phải có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc;
- Nếu có tẩy xóa, sửa chữa thì người lập di chúc hoặc người làm chứng di chúc phải ký tên bên cạnh chỗ tẩy xóa, sửa chữa;
- Mẫu di chúc có thể tham khảo bên dưới.
Di chúc miệng
Khoản 1 Điều 629 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về di chúc miệng sẽ được lập khi người đó đang trong trường hợp tính mạng bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể lập di chúc miệng.
Ngoài ra, để di chúc miệng đó có hiệu lực pháp luật phải tuân theo quy định tại khoản 5 Điều 630 Bộ luật này đó là phải có ít nhất hai người làm chứng khi người lập di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình, người làm chứng ghi chép lại và cùng nhau ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người lập di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc được người làm chứng ghi chép lại phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.
Người làm chứng không được là người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc; Người có quyền lợi, nghĩa vụ tài sản liên quan đến nội dung di chúc; Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định tại Điều 632 Bộ luật này.
Tuy nhiên, nếu sau 03 tháng, kể từ thời điểm lập di chúc miệng mà người đó còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng sẽ mặc nhiên bị hủy bỏ.
Viết di chúc có cần người làm chứng không
Qua các quy định trên, có thể thấy di chúc miệng nếu không có người làm chứng hoặc người làm chứng thuộc một trong các trường hợp pháp luật không cho phép được làm người làm chứng thì di chúc miệng sẽ không có hiệu lực. Từ đó dẫn đến tài sản sẽ được chia theo quy định của pháp luật cho các người thừa kế theo quy định của pháp luật.
Còn đối với di chúc được lập thành văn bản thì căn cứ theo Điều 633 Bộ luật Dân sự, di chúc bằng văn bản không có người làm chứng sẽ có hiệu lực khi thỏa mãn hai tiêu chí sau:
- Người lập di chúc phải tự viết tay hoặc đánh máy và ký vào bản di chúc;
- Nội dung của di chúc phải phù hợp với quy định tại Điều 631 như ngày, tháng, năm lập di chúc; Họ, tên người lập di chúc; Họ tên, cơ quan được hưởng di sản,…
Qua đó, có thể thấy di chúc không có người làm chứng sẽ có hiệu lực khi di chúc đó được lập thành văn bản và thể hiện rõ ý chí của người lập di chúc cũng như nội dung di chúc phải phù hợp với quy định pháp luật. Việc công chứng, chứng thực là không bắt buộc nhưng người lập di chúc khi không có người làm chứng nên thực hiện thủ tục công chứng, chứng thực hoặc lập vi bằng nhằm hạn chế tranh chấp về thừa kế có thể xảy ra trong tương lai.
Trường hợp lập vi bằng di chúc.
Câu hỏi: Tôi năm nay tuổi đã ngoài 70 cái tuổi cũng đã cao, không muốn sống đến tuổi này rồi mà khi mất đi con cháu tôi tranh giành nhau những tài sản có giá trị như vàng, tiền và nhà cửa mà tôi hiện đang sở hữu, nên tôi mong muốn lập di chúc, khi hỏi một số người hiểu biết thì được họ tư vân tôi có thể lập vi bằng ghi nhận sự kiện lập di chúc của tôi. Vậy Thừa phát lại cho tôi hỏi về những quy định của Pháp luật về di chúc, nếu tôi lập di chúc bằng việc lập vi bằng thì có giá trị pháp lý không?
Giải đáp: Pháp luật quy định Di chúc có thể được lập thành văn bản hoặc lập di chúc bằng miệng. Di chúc bằng văn bản có 2 loại là một loại có người làm chứng và một loại không có người làm chứng. Trong trường hợp cụ lập di chúc bằng việc lập Vi bằng thì người làm chứng là Thừa phát lại, Thừa phát lại sẽ ghi nhận sự việc của cụ, kể cả trong trường hợp cụ lập di chúc bằng miệng hoặc bằng văn bản, bởi Thừa phát lại là người được Cơ quan Nhà nước Ủy quyền để làm các công việc về Lập vi bằng, Thi hành án, Tống đạt giấy tờ và một số công việc khác theo quy định của Pháp luật.
Do vậy, cụ có thể yên tâm lập di chúc bằng việc lập vi bằng thông qua Văn phòng thừa phát lại. Giá trị pháp lý của bản di chúc mà cụ lập thông qua việc lập vi bằng đó được pháp luật ghi nhận và bảo đảm.
Tại sao nên lập vi bằng.
Việc lập vi bằng với mục đích duy nhất là tạo lập chứng cứ chứng minh có sự kiện, hành vi xảy ra trên thực tế. Trên thực tế, vi bằng có thể được sử dụng trong xét xử, để thương lượng, hòa giải hoặc để lưu trữ hoặc đơn giản chỉ nhằm mang lại niềm tin cho nhau mà không cần đem ra sử dụng
Vi bằng còn có giá trị là nguồn chứng cứ trong xét xử, trong các quan hệ pháp lý khác và là căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết các công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình; là căn cứ để thực hiện giao dịch giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật
Thủ tục lập vi bằng ghi nhận sự kiện lập di chúc

Bước 1: Khách hàng liên hệ Văn phòng Thừa phát lại Hà Thành để được tư vấn về thủ tục lập vi bằng về việc lập di chúc. Người yêu cầu lập vi bằng phải cung cấp được các giấy tờ cần thiết liên quan đến việc lập vi bằng để thừa phát lại xác định thẩm quyền, phạm vi lập vi bằng. Sau đó, khách hàng sẽ được hướng dẫn điền phiếu yêu cầu lập vi bằng.
Bước 2: Khi khách hàng đồng ý lập vi bằng, phạm vi và thẩm quyền lập vi bằng được xác định, khách hàng và thừa phát lại ký thỏa thuận lập vi bằng về các vấn đề sau:
- Nội dung lập vi bằng: Lập vi bằng ghi nhận sự kiện lập di chúc
- Thời gian, địa điểm: do 2 bên tự thỏa thuận.
- Chi phí: tự thỏa thuận.
- Thỏa thuận khác (nếu có).
Bước 3: Thừa phát lại tiến hành lập vi bằng theo các nội dung đã thỏa thuận. Bằng nghiệp vụ, thừa phát lại ghi lại toàn bộ diễn biến hành vi, sự kiện công bố, xác nhận tài sản của các cá nhân trước khi kết hôn. Việc lập vi bằng phải trung thực, khách quan, thừa phát lại sẽ chịu toàn bộ trách nhiệm về tính trung thực của hành vi, sự kiện. Các bên tham gia tự chịu trách nhiệm về những thỏa thuận, tài sản của mình.
Sau khi kết thúc việc lập vi bằng, thừa phát lại đăng ký vi bằng lên Sở Tư pháp nơi đặt trụ sở hoặc cập nhật lên cổng dữ liệu thông tin về vi bằng.
Bước 4: Việc đăng ký vi bằng hoàn tất, thừa phát lại trao kết quả – 1 bản chính vi bằng cho khách hàng và thanh lý thỏa thuận lập vi bằng.
Như vậy, việc lập vi bằng giúp các bên có căn cứ về việc sở hữu tài sản của mình. Đây là nguồn chứng cứ để tòa án xem xét khi các bên có tranh chấp về tài sản xảy ra trong tương lai.
Trên đây là tư vấn của Văn phòng thừa phát lại Hà Thành về vấn đề: Lập vi bằng về việc viết di chúc. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ ngay đến Hotline tư vấn miễn phí: 096.102.9669
Mời bạn tham khảo một số bài viết liên quan:
Lập vi bằng thỏa thuận quyền nuôi con sau khi ly hôn
Lập vi bằng Thoả thuận mức chu cấp nuôi con
Lập vi bằng giao nhận hàng hóa