×

Công chức hộ tịch làm khống giấy khai sinh bị xử lý như thế nào?

Tóm tắt câu hỏi:

Cán bộ tư pháp hộ tịch làm khống giấy khai sinh cả bản chính và bản sao thì căn cứ vào điều khoản nào để xử lý kỷ luật?

Luật sư tư vấn:

Điều 74 Luật hộ tịch 2014 có quy định về những việc công chức làm công tác hộ tịch không được làm như sau:

“1. Cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu, trì hoãn, gây khó khăn, phiền hà, nhận hối lộ khi đăng ký, quản lý hộ tịch.

2. Thu lệ phí hộ tịch cao hơn mức quy định hoặc đặt ra các khoản thu khi đăng ký hộ tịch.

3. Đặt ra thủ tục, giấy tờ, cố ý kéo dài thời hạn giải quyết đăng ký hộ tịch trái quy định của Luật này.

4. Tẩy xóa, sửa chữa, làm sai lệch nội dung thông tin trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch.

5. Đăng ký, cấp giấy tờ về hộ tịch trái quy định của Luật này.

6. Tiết lộ thông tin liên quan đến bí mật cá nhân mà biết được qua đăng ký hộ tịch”.

Theo thông tin mà bạn cung cấp, công chức tư pháp hộ tịch làm khống (làm giả) giấy khai sinh cả bản chính và bản sao. Như vậy công chức tư pháp hộ tịch đã có hành vi đăng ký, cấp giấy tờ trái quy định của Luật hộ tịch 2014. 

Khi công chức tư pháp hộ tịch có hành vi vi phạm trên thì chế tài xử lý được quy định tại Khoản 7, Điều 74 Luật hộ tịch 2014 như sau:

“Công chức làm công tác hộ tịch vi phạm các quy định tại Điều này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, Điều 79 Luật cán bộ, công chức 2008 cũng quy định:

“1.Công chức vi phạm quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật sau đây:

a) Khiển trách;

b) Cảnh cáo;

c) Hạ bậc lương;

d) Giáng chức;

đ) Cách chức;

e) Buộc thôi việc.          

2. Việc giáng chức, cách chức chỉ áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.

3. Công chức bị Tòa án kết án phạt tù mà không được hưởng án treo thì đương nhiên bị buộc thôi việc kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật; công chức lãnh đạo, quản lý phạm tội bị Tòa án kết án và bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì đương nhiên thôi giữ chức vụ do bổ nhiệm.”

Do đó tùy theo mức độ, tính chất của hành vi vi phạm công chức hộ tịch làm khống giấy khai sinh cả bản chính và bản sao có thể bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức sau: Khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, cách chức hoặc buộc thôi việc.

Trong trường hợp vi phạm đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự  thì căn cứ theo quy định tại Điều 281 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Cụ thể:

“1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt  tù từ một năm đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội nhiều lần;

c) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ mười năm đến mười lăm năm.

4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng.”

Như vậy, khi công chức hộ tịch làm khống giấy khai sinh cả bản chính và bản sao, thùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc xử lý hình sự theo quy định pháp luật như đã phân tích ở trên.

Bài đăng này hữu ích như thế nào?

Bấm vào một ngôi sao để đánh giá bài viết!

Xếp hạng trung bình 0 / 5. số phiếu bầu: 0

Không có phiếu bầu cho đến nay! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài viết này.