×

Quy định về hóa đơn chứng minh nguồn gốc hàng hóa hợp pháp

Tóm tắt câu hỏi:

Kính gửi quý luật sư: Tôi có mua buôn quần áo ở chợ buôn Ninh Hiệp – Gia Lâm.Trên đường chở hàng bằng xe máy về tôi có bị công an giao thông yêu cầu dừng lại và kiểm tra, họ yêu cầu xuất trình hóa đơn. Hàng quần áo của tôi đều có hóa đơn thông thường của các cửa hàng bán buôn bên Ninh Hiệp.Tôi xin hỏi: Tôi có hóa đơn thông thường thì có bị lập biên bản thu giữ hàng và giữ xe không? Trường hợp trên tôi có bị coi là mua hàng lậu không?

Luật sư tư vấn:

Căn cứ Khoản 1 Điều 14 Thông tư 01/2016/TT-BCA quy định nội dung kiểm soát của cảnh sát giao thông như sau:

“Điều 14. Nội dung kiểm soát

1. Thực hiện việc kiểm soát người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ; xử lý vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ đối với người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ, gồm các nội dung sau:

a) Kiểm soát các giấy tờ có liên quan đến người và phương tiện, gồm:

– Giấy phép lái xe; Giấy đăng ký xe; Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện cơ giới đường bộ; Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới và giấy tờ khác có liên quan đến người, phương tiện, hoạt động vận tải;

– Khi kiểm soát phải đối chiếu giữa các giấy tờ với nhau, giữa giấy tờ có liên quan với thực tế người, phương tiện, hàng hóa vận chuyển trên phương tiện.

…”

Như vậy, cảnh sát giao thông có thẩm quyền kiểm soát các giấy tờ liên quan đến người, phương tiện, hoạt động vận tải như giấy phép lái xe, hàng hóa trên xe,…

Bạn mua hàng hóa nhỏ lẻ ở chợ Ninh Hiệp, nếu hàng hóa bạn mua nhiều cửa hàng giá trị dưới 200.000 đồng mỗi lần thì không cần có hoá đơn giá trị gia tăng mà có thể có hóa đơn bán lẻ của đơn vị đó theo Điều 18 Thông tư 39/2014/TT-BTC như sau:

“Điều 18. Bán hàng hóa, dịch vụ không bắt buộc phải lập hóa đơn

1. Bán hàng hóa, dịch vụ có tổng giá thanh toán dưới 200.000 đồng mỗi lần thì không phải lập hóa đơn, trừ trường hợp người mua yêu cầu lập và giao hóa đơn.

2. Khi bán hàng hóa, dịch vụ không phải lập hóa đơn hướng dẫn tại khoản 1 Điều này, người bán phải lập Bảng kê bán lẻ hàng hóa, dịch vụ. Bảng kê phải có tên, mã số thuế và địa chỉ của người bán, tên hàng hóa, dịch vụ, giá trị hàng hóa, dịch vụ bán ra, ngày lập, tên và chữ ký người lập Bảng kê. Trường hợp người bán nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ thì Bảng kê bán lẻ phải có tiêu thức “thuế suất giá trị gia tăng” và “tiền thuế giá trị gia tăng”. Hàng hóa, dịch vụ bán ra ghi trên Bảng kê theo thứ tự bán hàng trong ngày (mẫu số 5.6 Phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư này).

3. Cuối mỗi ngày, cơ sở kinh doanh lập một hóa đơn giá trị gia tăng hoặc hóa đơn bán hàng ghi số tiền bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ trong ngày thể hiện trên dòng tổng cộng của bảng kê, ký tên và giữ liên giao cho người mua, các liên khác luân chuyển theo quy định. Tiêu thức “Tên, địa chỉ người mua” trên hóa đơn này ghi là “bán lẻ không giao hóa đơn”.

Trường hợp giá trị trên 200.000 đồng thì bắt buộc phải có hóa đơn để chứng minh nguồn gốc hàng hóa. Nếu bạn có hóa đơn bán lẻ theo nội dung nêu trên thì đây là giấy tờ hợp pháp chứng minh nguồn gốc hàng hóa.

Mặt khác, Khoản 7 Điều 3 Nghị định 185/2013/NĐ-CP được bổ sung tại Nghị định 124/2015/NĐ-CP quy định như sau:

“Điều 3. Giải thích từ ngữ

7. “Hàng hóa nhập lậu” gồm:

a) Hàng hóa cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu theo quy định của pháp luật;

b) Hàng hóa nhập khẩu thuộc danh mục hàng hóa nhập khẩu có điều kiện mà không có giấy phép nhập khẩu hoặc giấy tờ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định kèm theo hàng hóa khi lưu thông trên thị trường;

c) Hàng hóa nhập khẩu không đi qua cửa khẩu quy định, không làm thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật hoặc gian lận số lượng, chủng loại hàng hóa khi làm thủ tục hải quan;

d) Hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có hóa đơn, chứng từ kèm theo theo quy định của pháp luật hoặc có hóa đơn, chứng từ nhưng hóa đơn, chứng từ là không hợp pháp theo quy định của pháp luật về quản lý hóa đơn;

đ) Hàng hóa nhập khẩu theo quy định của pháp luật phải dán tem nhập khẩu nhưng không có tem dán vào hàng hóa theo quy định của pháp luật hoặc có tem dán nhưng là tem giả, tem đã qua sử dụng.

14. “Hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ” là hàng hóa lưu thông trên thị trường không có căn cứ xác định được nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa.”

Nếu bạn có đủ các giấy tờ chứng minh theo nội dung nêu trên thì bạn sẽ không bị xử phạt và tịch thu hàng cũng như phương tiện.

Bài đăng này hữu ích như thế nào?

Bấm vào một ngôi sao để đánh giá bài viết!

Xếp hạng trung bình 4.5 / 5. số phiếu bầu: 2

Không có phiếu bầu cho đến nay! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài viết này.