×

Phân biệt công tác kiểm tra của Đảng và giám sát của Đảng

1. Công tác kiểm tra của Đảng và giám sát của Đảng được hiểu như thế nào?

Kiểm tra của Đảng là khái niệm chỉ việc các tổ chức đảng xem xét các hành vi của cấp ủy, tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên trong việc chấp hành điều lệ Đảng, chỉ thị, quy định của Đảng, cương lĩnh chính trị, chủ trương và chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Giám sát Đảng là khái niệm chỉ việc các tổ chức đảng theo dõi và quan sát những hoạt động nhằm kịp thời tác động để cấp ủy, tổ chức đảng cấp dưới, và đảng viên được giám sát chấp hành nghiêm chỉnh điều lệ Đảng, chỉ thị, quy định của Đảng, cương lĩnh chính trị, chủ trương và chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Chủ thể kiểm tra và giám sát là chi bộ, đảng ủy bộ phận, ban thường vụ đảng ủy cơ sở, đảng ủy cơ sở; cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy từ cấp trên cơ sở trở lên; ủy ban kiểm tra; các ban đảng, văn phòng cấp ủy (gọi chung là các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy); ban cán sự đảng, đảng đoàn (chỉ là chủ thể kiểm tra). Đối tượng kiểm tra và giám sát là chi ủy, chi bộ, đảng ủy bộ phận, ban thường vụ đảng ủy cơ sở, đảng ủy cơ sở; cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, thường trực cấp ủy từ cấp trên cơ sở trở lên; ủy ban kiểm tra, các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy; ban cán sự đảng, đảng đoàn; đảng viên.

2. Phân biệt công tác kiểm tra của Đảng và giám sát của Đảng:

Công tác kiểm tra, giám sát là một trong những chức năng lãnh đạo của Đảng, có vị trí cực kỳ quan trọng trong toàn bộ hoạt động lãnh đạo của Đảng, đảm bảo cho Đảng luôn vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Tổ chức của Đảng ở các cấp, các ngành không những có trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện mà còn có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện, bảo đảm cho nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế, kết luận của Đảng được chấp hành nghiêm chỉnh, thắng lợi trong thực tiễn.

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn coi trọng và tiến hành thường xuyên công tác kiểm tra, giám sát coi đó là một nguyên tắc, một khâu quan trọng trong quá trình lãnh đạo và quá trình xây dựng Đảng. Kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo đường lối chính sách của Đảng được xác định đúng, được quán triệt và thực hiện thắng lợi trong thực tiễn, đó là vấn đề có tính nguyên tắc, vừa là chức năng lãnh đạo vừa là trách nhiệm, nội dung, phương pháp, quy trình lãnh đạo của Đảng. 

Vậy thì nhìn chung, công tác kiểm tra của Đảng và giám sát của Đảng có những điểm khác biệt nhất định, có thể phân biệt thông qua những tiêu chí sau đây:

Tiêu chí Kiểm tra của Đảng Giám sát của Đảng
Giống

Thứ nhất, đây đều là hoạt động của nội bộ các chủ thể có thẩm quyền, là Đảng do cấp ủy, tổ chức đảng và ủy ban kiểm tra các cấp thực hiện. Kiểm tra và giám sát đều nhằm đạt được mục đích là nắm vững và đánh giá thực chất tình hình, để từ đó chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, điều chỉnh, uốn nắn mọi hành vi của tổ chức và cá nhân có liên quan, phục vụ việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng đảng trong sạch, vững mạnh.

Thứ hai, về đối tượng và nội dung, thì cả hai hoạt động này đều là tổ chức đảng và đảng viên trong việc chấp hành Cương lĩnh chính trị, điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, các nguyên tắc tổ chức của Đảng, trong việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, nghị quyết của cấp ủy và đạo đức, lối sống theo quy định của Ban Chấp hành Trung ương, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Mục đích Kiểm tra là làm rõ đúng, sai và xử lý vi phạm (nếu có). Giám sát là để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn xảy ra khuyết điểm, vi phạm từ lúc mới manh nha. Giám sát nhắc nhở, lưu ý, cảnh báo đối tượng giám sát thực hiện đúng quy định.
Đối tượng Đối với kiểm tra, đảng viên vừa là đối tượng kiểm tra vừa là chủ thể tự kiểm tra. Ban cán sự đảng, đảng đoàn chỉ là chủ thể kiểm tra. Đối với giám sát, đảng viên chỉ là đối tượng giám sát và chỉ trở thành chủ thể giám sát khi được tổ chức đảng có thẩm quyền phân công.
Phương thức và hình thức Kiểm tra phải coi trọng thẩm tra, xác minh. Sau kiểm tra phải có kết luận rõ đúng, sai, nội dung, tính chất, mức độ, tác hại, nguyên nhân vi phạm, các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ và phải xử lý kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên (nếu có vi phạm đến mức phải xử lý). Giám sát không xem xét thi hành kỷ luật. Giám sát chủ yếu quan sát, theo dõi, nhận xét và đánh giá, chú trọng đến việc lưu ý, cảnh báo, nhắc nhở.
Nguyên tắc thực hiện Đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, của cấp ủy, tổ chức đảng theo quy định của Điều lệ Đảng và các quy định, hướng dẫn về công tác kiểm tra của Đảng. Tổ chức đảng và đảng viên phải thường xuyên tự kiểm tra. Tổ chức đảng cấp trên kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên. Đảng viên được tham gia kiểm tra theo sự phân công của tổ chức đảng có thẩm quyền. Tổ chức đảng và đảng viên phải chịu sự kiểm tra của Đảng. Việc kiểm tra phải công khai, dân chủ, khách quan, thận trọng, chặt chẽ, kịp thời, đúng phương pháp công tác Đảng và quy định của điều lệ Đảng. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban bí thư, các cấp ủy đảng lãnh đạo và tổ chức thực hiện công tác giám sát theo quy định của Điều lệ Đảng. Cấp ủy, tổ chức đảng cấp trên giám sát tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên. Đảng viên thực hiện việc giám sát theo sự phân công của tổ chức đảng có thẩm quyền. Tổ chức đảng và đảng viên chịu sự giám sát của Đảng. Việc giám sát phải dân chủ, khách quan, đúng nguyên tắc và quy định của Điều lệ Đảng.

3. Vị trí, vai trò của công tác kiểm tra và giám sát của Đảng:

Kiểm tra, giám sát được xem là nội dung rất quan trọng trong quá trình lãnh đạo của Đảng, là chức năng lãnh đạo, nhiệm vụ thường xuyên của toàn Đảng, trước hết là nhiệm vụ của cấp uỷ và người đứng đầu cấp uỷ, do cấp uỷ trực tiếp tiến hành. Công tác kiểm tra, giám sát phải được tiến hành công khai, dân chủ, khách quan, thận trọng và chặt chẽ theo đúng nguyên tắc, phương pháp công tác đảng. Tổ chức đảng và đảng viên phải chịu sự kiểm tra, giám sát của Đảng và chịu sự giám sát của nhân dân. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát phải gắn chặt với công tác tư tưởng, công tác tổ chức và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, phải thực hiện toàn diện, đồng bộ, có hiệu lực, hiệu quả, góp phần xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Đảng.

Thực hiện đồng bộ giữa công tác kiểm tra và công tác giám sát; giám sát phải mở rộng, kiểm tra phải có trọng tâm và trọng điểm để chủ động phòng ngừa vi phạm, kịp thời phát hiện những nhân tố mới để phát huy, khắc phục thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm ngay từ lúc mới manh nha. Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng phải kết hợp chặt chẽ giữa xây và chống, lấy xây là chính. Khi các vụ việc vi phạm được phát hiện, phải kiên quyết xử lý nghiêm minh để răn đe và giáo dục. Đề cao trách nhiệm của tổ chức đảng và đảng viên; phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị và của nhân dân trong công tác kiểm tra, giám sát.

4. Một số giải pháp nhằm tăng cường công tác kiểm tra và giám sát của Đảng hiện nay:

Thứ nhất, các cấp uỷ, tổ chức đảng phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện tốt hơn nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo Điều lệ Đảng. Tập trung kiểm tra, giám sát việc chấp hành Điều lệ, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, luật pháp, chính sách của Nhà nước; việc chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, chế độ công tác, thực hiện dân chủ trong Đảng, giữ gìn đoàn kết nội bộ; việc thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện cải cách hành chính, cải cách tư pháp; việc điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, nhất là những vụ án nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư  luận xã hội; kiểm tra, giám sát việc tuyển dụng, quy hoạch, luân chuyển, đào tạo, đề bạt, bố trí, sử dụng cán bộ. 

Thứ hai, chú trọng kiểm tra, giám sát người đứng đầu tổ chức đảng, nhà nước, mặt trận và các đoàn thể nhân dân các cấp trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng phải phối hợp chặt chẽ với công tác thanh tra của Chính phủ, công tác giám sát của Quốc hội và các cơ quan hành pháp, tư pháp, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân theo đúng chức năng và thẩm quyền của mỗi cơ quan.

Thứ ba, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ và hoạt động của hệ thống uỷ ban kiểm tra các cấp. Hoàn thiện quy chế phối hợp giữa uỷ ban kiểm tra đảng với các tổ chức đảng và các cơ quan bảo vệ pháp luật trong việc xem xét khiếu nại, tố cáo và xử lý kỷ luật cán bộ, đảng viên. 

Thứ tư, tập trung đầu tư nghiên cứu cả ở tầm vĩ mô và vi mô; nâng cao khả năng dự báo về tình hình vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên, nhất là những vi phạm mới do tác động của toàn cầu hoá, cơ chế thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế, sự phát triển nhanh chóng của khoa học – công nghệ mới … Chú trọng nghiên cứu các chủ trương, biện pháp, cơ chế, chính sách để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn xảy ra vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên.

Bài đăng này hữu ích như thế nào?

Bấm vào một ngôi sao để đánh giá bài viết!

Xếp hạng trung bình 0 / 5. số phiếu bầu: 0

Không có phiếu bầu cho đến nay! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài viết này.