×

Quy định về điều kiện kinh doanh vận tải đường sắt mới nhất

Đường sắt là một loại hình giao thông vận tải được phát minh và đưa vào sử dụng từ khá sớm trong lịch sử nhân loại. Ở Việt Nam, loại hình phương tiện giao thông vận tải đường sắt cũng xuất hiện từ rất sớm và cho đến nay đã trải qua hơn 100 năm hình thành và phát triển. Dù ra đời từ rất sớm, thế nhưng loại hình giao thông vận tải này vẫn chưa phát triển theo đúng tiềm năng và lợi thế của ngành đường sắt. Bởi lẽ, với nguồn ngân sách nhà nước hạn hẹp như hiện nay sẽ rất khó để hiện đại hóa ngành đường sắt trong một thời gian ngắn sắp tới, vì vậy, việc đảm bảo an toàn giao thông đường sắt sẽ chưa thể khắc phục sớm được.

Nhằm nâng cao hiệu quả khai thác thương mại của loại hình phương tiện giao thông đường sắt Việt Nam, cũng như đảm bảo an toàn lưu thông của loại hình phương tiện này, Quốc hội đã cho ban hành Luật Đường sắt 2005. Theo đó, hình thức kinh doanh vận tải đường sắt bao gồm kinh doanh vận tải hành khách, hành lý, bao gửi và kinh doanh vận tải hàng hoá trên đường sắt. Mặt khác, loại hình kinh doanh này là loại hình kinh doanh có điều kiện theo Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực giao thông vận tải ban hành kèm theo Luật Đầu tư 2014. Vì thế, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt phải đáp ứng đủ các điều kiện mà pháp luật về đường sắt quy định tại Điều 89, Khoản 2, Luật Đường sắt 2005 và Điều 10, Nghị định 14/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đường sắt 2005. Cụ thể như sau:

a) Có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh vận tải đường sắt;

b) Có chứng chỉ an toàn;

c) Có hợp đồng cung cấp dịch vụ điều hành giao thông vận tải đường sắt của tổ chức điều hành giao thông vận tải đường sắt;

d) Phương tiện giao thông đường sắt phải có đủ Giấy chứng nhận đăng ký, Giấy chứng nhận đăng kiểm về tiêu chuẩn chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường có hiệu lực;

đ) Người được giao chịu trách nhiệm chính về quản lý kỹ thuật khai thác vận tải phải có trình độ đại học và có ít nhất 03 (ba) năm kinh nghiệm về khai thác vận tải đường sắt;

e) Phải có hợp đồng bảo hiểm theo quy định của pháp luật về bảo hiểm.

Sau khi đáp ứng đủ những điều kiện theo quy định của pháp luật thì doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt mới được phép thực hiện việc kinh doanh vận tải đường sắt. Việc thực hiện hoạt động kinh doanh vận tải đường sắt được thể hiện qua hợp đồng vận tải bao gồm hợp đồng vận tải hành khách và hợp đồng vận tải hàng hóa.

Hợp đồng vận tải hành khách là sự thoả thuận giữa doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt với hành khách, người gửi bao gửi về vận chuyển hành khách, hành lý, bao gửi, theo đó doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt nhận vận chuyển hành khách, hành lý, bao gửi từ nơi đi đến nơi đến. Hợp đồng vận tải hành khách, hành lý, bao gửi xác định quan hệ về nghĩa vụ và quyền lợi của các bên và được lập thành văn bản hoặc hình thức khác mà hai bên thoả thuận (Điều 91, Khoản 1, Luật Đường sắt 2005).

Hợp đồng vận tải hàng hoá là sự thoả thuận giữa doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt với người thuê vận tải, theo đó doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt nhận vận chuyển hàng hóa từ nơi nhận đến nơi đến và giao hàng hoá cho người nhận hàng được quy định trong hợp đồng. Hợp đồng vận tải hàng hoá xác định quan hệ về nghĩa vụ và quyền lợi của các bên và được lập thành văn bản hoặc hình thức khác mà hai bên thoả thuận (Điều 92, Khoản 1, Luật Đường sắt 2005).

Mong rằng với những quy định trên của pháp luật về đường sắt sẽ góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ của ngành đường sắt.

Bài đăng này hữu ích như thế nào?

Bấm vào một ngôi sao để đánh giá bài viết!

Xếp hạng trung bình 4 / 5. số phiếu bầu: 1

Không có phiếu bầu cho đến nay! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài viết này.